14:23 - 5/02/2011 (GMT+7)

2011 – Tương lai nào cho Big 3?

Năm 2010, nước Mỹ nỗ lực hồi sinh sau khủng hoảng, thị trường ôtô lớn nhất nhì thế giới này cũng đạt mức tăng trưởng khả quan 11,1%, và một tương lai rực rỡ hơn được rất nhiều người tin tưởng dành cho năm 2011.

Không chỉ gặt hái thành công tại Mỹ, Big 3 Detroit còn thắng lớn tại Trung Quốc – thị trường hiện được đánh giá là lớn nhất và tiềm năng nhất cho ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Hiện tại, hầu hết các dự báo về doanh số bán hàng đều rất khả quan ít nhất là cho tới năm 2015, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn còn ở mức khiêm tốn.

2010 – Lợi nhuận cải thiện

Trước đây một vài năm, chi phí đầu vào cho mỗi chiếc xe của 3 đại gia Detroit thường cao hơn khoảng vài nghìn USD so với các thương hiệu nhập khẩu. Nhưng hiện tại bất lợi đó đã dần được các nhà sản xuất Mỹ loại bỏ. Với sự đóng cửa liên tiếp 19 nhà máy, và cắt giảm một số lượng lớn hợp đồng lao động, chi phí đầu vào của các hãng đã được cải thiện đáng kể.

Trong những năm thị trường bùng nổ, Big 3 vẫn gặp phải thua lỗ đối với nhiều mẫu xe do sai lầm trong chiến lược kinh doanh. Nhưng cơ cấu chi phí mới cùng nhiều lựa chọn hấp dẫn được đưa vào những model mới đang làm thay đổi cục diện thị trường. Năm 2010, General Motors và Ford đạt doanh số rất tích cực với 2,21 và 1,93 triệu chiếc xe, tăng 7,2% và 19,5% so với 2009. Tình hình kinh doanh của Chrysler cũng đang trên đà cải thiện khi hơn 1,08 triệu chiếc xe được bán trong năm 2010, tăng trưởng 16,5%. Với những con số này GM và Ford đã vươn tới mức lợi nhuận ròng tốt nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nếu so với mức giảm 0,4% của Toyota, có thể coi đây là năm đại thắng của Big 3.

1

2011 – Cần tỉnh táo hơn

Những CEO hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô Mỹ đã có thể tự cho phép mình ăn mừng chiến thắng sau những thành tựu công bố tại Detroit Auto Show 2011 và dấu hiệu phục hồi đáng kể của doanh số bán hàng. Tuy nhiên, những nỗi lo chưa hẳn đã rời xa vẫn khiến nhiều người trong số đó chưa dám xả hơi thực sự.

Nhìn chung, tỉ lệ việc làm tại các nhà máy Mỹ đã có những tín hiệu khả quan khi tăng thêm khoảng 37.000 vào cuối năm 2010, tương đương khoảng 6%. Nhưng người ta dự tính khoảng 300.000 việc làm tại các nhà máy ôtô đã bị mất từ năm 2007 đến nay vẫn khó có khả năng thu hồi trong tương lai gần, ngay cả khi doanh số bán hàng tăng trở lại. Điều đó đồng nghĩa với việc mặc dù hầu hết các chuyên gia đều đồng ý thị trường đang có triển vọng tích cực nhất kể từ năm 2008 nhưng không phải tất cả đều tin rằng Detroit đã hoàn toàn hồi sinh.

Có thể Detroit đã học được từ những sai lầm trong quá khứ. Giai đoạn mù quáng theo đuổi doanh số mà không coi trọng chi phí đã qua. Điều quan trọng vào lúc này là The Big 3 phải chứng minh cho thị trường thấy sẽ không rơi vào vết xe đổ khủng hoảng sản xuất thừa như trong quá khứ.

1

Cuộc nổi dậy của công nhân

Mâu thuẫn giữa giới công nhân và các hãng xe một lần nữa lại trở thành chủ đề nóng vài tuần nay sau khi những khó khăn chung đã phần nào được thu xếp.

Để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh từ nội tại ngành, Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân Mỹ (UAW), ông Bob King cho biết UAW đang nỗ lực hỗ trợ các thành viên tiến hành đàm phán với các hãng về những hợp đồng lao động mới bắt đầu ký trong năm nay, sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ trên quy mô toàn ngành nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, việc đàm phán một tỉ lệ chia sẻ lợi nhuận cũng được các công đoàn sát cánh cùng các thành viên khi trao đổi với GM, Ford và Chrysler.


Nguy cơ từ Toyota

Khi tốc độ tiêu thụ xe hơi tăng trở lại, một số chuyên gia nhận định rất có thể tình trạng thiếu vốn sẽ đẩy 3 gã khổng lồ Mỹ vào vị thế bất lợi hơn so với đối thủ lớn nhất – Toyota Motor Corp với tiềm lực tài chính khá dồi dào.

Mặc dù hãng xe Nhật vẫn chưa giải quyết hết hậu quả từ cuộc đại thu hồi gần 14 triệu xe năm ngoái, niềm tin về sự lớn mạnh trở lại vẫn được hầu hết giới chuyên môn giành cho Toyota. Tại Detroit Auto Show 2011 đình đám vừa qua, Toyota đã tung ra các mẫu Prius thế hệ mới: phiên bản compact Prius V và Prius C nhằm mục tiêu khôi phục hình ảnh tại Mỹ – hiện vẫn là thị trường quan trọng số 1. Xét cho cùng vẫn phải thừa nhận rằng Toyota, hãng xe lớn nhất thế giới, vẫn luôn thống trị thị trường xe hybrid xăng-điện kể từ khi hãng này trình làng mẫu Prius đầu tiên vào năm 1997 và vẫn luôn là đối thủ “khó chơi” của Big 3.

Hướng đi nào cho Big 3?

Nền công nghiệp ô tô thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng. Triển vọng lợi nhuận bắt đầu được hình thành sau quá trình cơ cấu lại đầy khó khăn giai đoạn khủng hoảng. Một số chuyên gia trong ngành thậm chí còn khẳng định hiện là thời điểm mà lợi thế cạnh tranh của ôtô Mỹ đạt mức tốt nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Ford đã chính thức dừng việc phát triển thương hiệu Mercury kể từ ngày 31/12 vừa qua và do đó hãng khẳng định đang rất dồi dào về tiềm lực tài chính để tập trung xây dựng thương hiệu sang trọng duy nhất còn lại: Lincoln. Alan Mulally, CEO của Ford cho biết mục tiêu trước mắt của hãng không phải tham lam theo đuổi giấc mơ toàn cầu cho Lincoln, mà là sự tập trung tối đa nguồn lực vào việc phát triển Lincoln tại Mỹ – nơi Ford luôn xem là thị trường truyền thống quan trọng số 1. Gần đây, tên tuổi Ford đang phất lên nhanh chóng trong một cuộc điều tra sự yêu thích của người tiêu dùng đối với những thương hiệu xe hơi do tờ Consumer Reports thực hiện. Hiện tại Ford gần như giữ ngôi đầu bảng trong cuộc đua khi mà Toyota đã đánh mất rất nhiều lòng tin của khách hàng.

1

Tỉ lệ tăng trưởng 16,5% trong năm 2010 đã giúp Chrysler vượt mặt Nissan vươn lên vị trí thứ 5 tại thị trường Mỹ. Đây là bước tạo đà quan trọng giúp hãng bật mạnh trong năm 2011. Jeep sẽ tiếp tục được coi là thương hiệu mạnh nhất của Chrysler với 2 mẫu nổi bật nhất là Wrangler và Grand Cherokee. Bên cạnh đó, phiên bản Chrysler 300 thế hệ mới được tái thiết kế cũng được xem là con át chủ bài mà Chrysler tung ra thị trường trong năm nay.

GM tất nhiên vẫn là cái tên được kỳ vọng nhất trong bộ ba này không chỉ bởi vai trò đàn anh tại Mỹ mà còn bởi hãng đang chễm chệ tại vị trí đầu bảng ở Trung Quốc. Tuy nhiên trong bức tranh tương lai tươi sáng dường như vẫn còn 1 vài điểm tối. Mark Reuss, chủ tịch chi nhánh Bắc Mỹ của GM đưa ra cảnh báo: sau đợt IPO trong tháng 11/2010 vừa qua, GM có vẻ như đang đi theo hướng quản lý điều hành để theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn hơn là tập trung xây dựng những chiến lược kinh doanh vì thành công lâu dài, trong đó khách hàng trung thành chính là cơ sở nền tảng. Và điều đó thực sự đáng lo ngại.

Một số vấn đề vốn là khó khăn truyền thống của Detroit, ví dụ như việc dấy lên những nhu cầu về một tổ chức công đoàn giúp bảo vệ quyền lợi của công nhân. Nhưng những khó khăn mới đặt ra, như câu chuyện phá sản của General Motors và Chrysler và sự ra tay cứu trợ của chính phủ Mỹ còn lớn và căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Chính quyền tổng thống Obama không thể giương mắt đứng nhìn 2 trong số 3 tập đoàn xe hơi lớn nhất liên bang rơi xuống bờ vực phá sản, bởi điều đó đồng nghĩa với rất nhiều vấn đề tiêu cực khác sẽ phát sinh sau đó… Nhưng sự cứu trợ của chính phủ sẽ không thể tồn tại lâu dài. Đã đến lúc Big 3 cần vận động để hồi sinh bằng chính sức mình.

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook