07:43 - 18/02/2012 (GMT+7)

Thị trường ôtô – Kẻ tháo chạy, người bám trụ

Trong khi các công ty thương mại tháo chạy hoặc chuyển hướng kinh doanh, thì các doanh nghiệp chính hãng lại dồn sức để củng cố vị thế trên thị trường.
 
Công ty thương mại: tháo chạy

Thành lập từ tháng 12/2007, Công ty cổ phần Thương mại Ô tô thế giới chuyên kinh doanh ô tô như tên gọi. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên các cổ đông đã nhất trí làm thủ tục giải thể. Công ty cũng đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 1/2012.

Việc giải thể của doanh nghiệp thương mại chuyên kinh doanh ô tô cũng được đánh giá là “cái chết biết trước”. Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ô tô Tây Bắc cho hay, nhiều doanh nghiệp thương mại khác kinh doanh ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã âm thầm rút lui hoặc tạm dừng hoạt động trong nửa năm qua. Nguyên nhân chính của việc tháo chạy chính thức hoặc âm thầm này là bởi không thể nhập khẩu ô tô tự do như trước đây bởi không dễ đáp ứng được các điều kiện của Thông tư 20/TT-BCT có hiệu lực từ cuối tháng 6/2011, để được làm đại lý ủy quyền của các mẫu xe quen thuộc, bán chạy ở Việt Nam. 

Nhiều doanh nghiệp nhỏ lo duy trì hoặc bán thêm phụ kiện để tồn tại
Nhiều doanh nghiệp nhỏ lo duy trì hoặc bán thêm phụ kiện để tồn tại

Ông Hùng cũng cho hay, kinh doanh xe nguyên chiếc mới khó khăn, trong khi nhập khẩu xe cũ chỉ vài mẫu mã là còn bán được. Nhưng với sự đổ dồn của nhiều doanh nghiệp thương mại làm ô tô vào những mẫu xe này, nên nhập khẩu xe cũ cũng không có hiệu quả. “Nếu chỉ trông chờ vào ô tô thì chả có cách nào khác là dừng hoạt động hoặc đóng cửa”, ông Hùng nói. Công ty cổ phần Ô tô Tây Bắc cũng đang tập trung mạnh cho kinh doanh phụ tùng để tiếp tục tồn tại.

Chính hãng: lo củng cố

Không chỉ doanh nghiệp thương mại thuần túy gặp khó khăn trong kinh doanh ô tô. Ngay cả các tên tuổi lớn hiện có tại Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức để có kết quả bán hàng tốt.

Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, với 4.274 ô tô các loại được bán ra trong tháng 1/2012, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đã giảm 60% so với cùng kỳ của năm 2011 (so với tháng 12/2011, mức giảm cũng lên tới 60%). Trong đó xe đa dụng, xe con và xe thương mại giảm lần lượt là 67 %, 56% và 59%.

Thực tế này cũng cho thấy, việc tăng kịch trần phí trước bạ và phí đăng ký, cấp biển số xe đối với các dòng xe chở người dưới 9 chỗ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các liên doanh ô tô. Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA cho rằng, tình hình sẽ khó khăn trong nửa đầu năm 2012. Tuy nhiên ở nửa sau của năm, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận thực tế này và sẽ tiếp tục xem xét mua xe cho nhu cầu thực tế của mình, nên có thể thấy những dấu hiệu phục hồi.

Toyota Việt Nam đẩy mạnh kinh doanh xe đã qua sử dụng từ năm nay
Toyota Việt Nam đẩy mạnh kinh doanh xe đã qua sử dụng từ năm nay

Dù thị trường đang khó khăn nhưng các hãng ô tô  vẫn ráo riết chuẩn bị tung ra những mẫu xe mới trong tháng 3 tới, nhằm kích cầu tiêu dùng trong mùa bán hàng đầu tiên của năm. Các liên doanh ô tô cũng điều chỉnh những hướng đi thích hợp cho mình. Đơn cử như Toyota Việt Nam đang đẩy mạnh việc kinh doanh xe đã qua sử dụng – vốn được coi là giàu tiềm năng tại thị trường Việt Nam.  Theo đó, thời gian tới, một chuỗi các trung tâm xe Toyota đã qua sử dụng sẽ được hình thành tại hệ thống các đại lý Toyota trên toàn quốc, bên cạnh Trung tâm Xe đã qua sử dụng đầu tiên tại Đại lý Toyota Đông Sài Gòn đã hoạt động từ năm 2010.

Theo Vir.vn

 

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook