15:33 - 20/05/2011 (GMT+7)

Bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô – NTD nói gì?

Có tác động trái ngược tới các nhà nhập khẩu ôtô chính thức và không chính thức trong nước, quy định mới về bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô, dĩ nhiên, tạo nên những tranh luận gay gắt giữa các nhà nhập khẩu. Đứng ở giữa, người tiêu dùng nói gì?

Thông tư 20/2011/TT-BCT về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống sẽ có hiệu lực vào ngày 26/6 tới đây được xem là nhằm hạn chế nhập siêu và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mỗi người tiêu dùng đứng ở một góc nhìn, và không phải họ hoàn toàn ủng hộ thông tư mới này.

Một số người cho rằng, thông tư mới sẽ thúc đẩy minh bạch hóa thị trường, ngân sách không bị thất thu, kiểm soát tốt hơn chất lượng xe nhập khẩu, người tiêu dùng được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc sau bán hàng.

Tuy nhiên, nhiều người lại nhận định người tiêu dùng Việt Nam sẽ không có nhiều lựa chọn về chủng loại, xuất xứ, giá cả,… khi các salon ôtô nhập khẩu “đóng cửa”. Người tiêu dùng không có cơ hội mua xe giá cạnh tranh của các salon như hiện nay mà phải mua theo giá độc quyền của một hệ thống phân phối duy nhất.

Viễn cảnh giá xe tăng là suy nghĩ của nhiều khách hàng. Anh Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi hiểu thì có thể xảy ra hai vấn đề từ quyết định 20/2011/TT-BCT. Một, người được lợi là các liên doanh lắp ráp ôtô hiện nay. Hai, người thiệt thòi là các đơn vị nhập khẩu không chính thức và chính khách hàng do giá xe sẽ tăng”.

Anh Tâm (Hà Đông, Hà Nội) thì phản ứng: “Thật sự tôi không hiểu Thông tư số 20 của bộ công thương đề ra là vì lợi ích của ai nữa. Trên danh nghĩa là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Quyền lợi của người tiêu dùng được hưởng đâu chưa thấy chỉ thấy giá xe chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao hơn nhiều khi muốn mua xe nhập”.

Trước Thông tư này, anh Vinh (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) nhận xét: “Về vĩ mô thì bảo hộ xe trong nước là đúng, tuy nhiên, việc bảo hộ như vậy là quá mức dẫn đến hình thức độc quyền, làm mất đi yếu tố cạnh tranh trong kinh doanh, có thể khiến Việt Nam trở thành nước tiêu thụ hàng hỏng hàng lỗi”.

Các cơ quan Nhà nước khi ra một thông tư, một quy định mới cần dựa vào ý kiến phản hồi từ dân. Nếu có quá nhiều người phản đối, hoặc có phần phi lí thì cũng cần cân nhắc lại trước khi ban hành.

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook