Một đội ngũ nghiên cứu ở Nhật Bản đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển loại pin thế hệ mới dành cho xe điện với tên gọi Florua-ion (FIBs) nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô điện cho ra những dòng xe có thể di chuyển với quãng đường lên đến 1.000 km chỉ trong 1 lần sạc.
Theo lý thuyết thì công nghệ pin này có thể chế tạo mà không cần đến các kim loại hiếm hiện đang gặp vấn đề về chuỗi cung ứng và có khả năng đứt gãy như hiện nay. Ngoài ra, điện cực của công nghệ pin Florua-ion cũng không cần quá nhiều vật liệu so với pin Lithium-ion.
Nếu thành công thì trong tương lai pin Florua-ion sẽ trở thành một lựa chọn khả thi vào đầu những năm 2030. Công nghệ pin này cung cấp mật độ năng lượng gấp 6 đến 7 lần so với pin Lithium-ion đang là tiêu chuẩn hiện tại trong xe điện, mở đường cho các loại pin thế hệ mới ngày càng nhỏ hơn và nhẹ hơn.
Nhưng công nghệ pin Florua-ion vẫn còn khá nhiều thử thách trước khi đi vào thương mại hóa, như chưa có công thức cụ thể để tối ưu việc pha trộn giữa vật liệu điện cực và chất điện phân. Ngoài ra việc xác định vật liệu nào để sản xuất pin Florua-ion một cách hiệu quả vẫn là thách thức. Vì vậy ở thời điểm hiện tại thì pin Lithium-ion vẫn chứng tỏ được sự hiệu quả và thực dụng của mình.
Sau khi thương mại hóa thành công thì đây là một giải pháp hoàn hảo để thay thế cho pin Lithium-ion, giúp nền công nghiệp ô tô có thể tạo ra những sản phẩm không phát thải có tính hiệu quả hơn, thực dụng hơn trong quá trình sử dụng.
Theo Autonet