Khám phá nhà máy sản xuất pin BYD Blade Battery

BYD nổi tiếng với pin Blade Battery an toàn nhất thế giới dành cho xe điện, thiết bị lưu trữ năng lượng và các ứng dụng công nghiệp khác.

Vừa qua, chúng tôi đã tận mắt “mục sở thị” trong chuyến tham quan nhà máy sản xuất pin BYD FinDreams trong sự trầm trồ thán phục ở mức độ đầu tư nghiêm túc đến từ BYD cho mảng xe năng lượng mới.

Nhà máy FinDreams Battery – nơi sản xuất pin Blade tại Trùng Khánh – Trung Quốc

Khám phá nhà máy pin BYD FinDreams vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.

Nhà máy sản xuất pin BYD FinDreams toạ lại tại Thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc bắt đầu xây dựng vào năm 2019 với vốn đầu tư 2,5 tỷ đô la, là một trong những cơ sở quan trọng trong chuỗi sản xuất pin của tập đoàn BYD (Build Your Dreams) và là một trong những nhà sản xuất ô tô và pin điện lớn nhất thế giới. Bao gồm từ các dòng xe buýt điện, xe tải điện, đến các dòng xe điện thương mại và cá nhân.

Với tổng diện tích khuôn viên nhà máy sản xuất pin BYD nơi đây lên đến 1 triệu m2, bao gồm 18 cơ sở sản xuất, 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Hơn 17.000 nhân viên, trong đó là 400 tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới và 7.000 nhân viên R&D cao cấp và hơn 6.600 đơn xin cấp bằng sáng chế.

Vào năm 2020, BYD cho xuất xưởng những bộ pin Blade Battery đầu tiên tại nhà máy này và cũng là thời điểm tất cả xe BYD sử dụng pin công nghệ Blade (pin lưỡi dao), đây là loại pin dành cho xe điện được đánh giá là an toàn nhất thế giới về khả năng chống cháy nổ và bền bỉ ở thời điểm hiện tại. Bằng chứng là đã có hơn 8 triệu xe BYD trên khắp toàn cầu sử dụng mà chưa ghi nhận bất kỳ sự cố nào liên quan đến pin gây mất an toàn cho người sử dụng.

Cũng trong chuyến đi đến nhà máy BYD, chúng tôi còn được trực tiếp xem bài kiểm tra về khả năng chống cháy nổ của pin Blade Battery và một loại pin khác trong phòng thí nghiệm bằng một vật nhọn đâm xuyên vào.

Bằng chứng là pin bất kỳ kia đã bốc cháy rất nhanh, còn pin Blade Battery thì gần như không xuất hiện vấn đề gì. Bên cạnh đó, BYD cũng thử nghiệm pin Blade trong nhiều điều kiện khác nhau, như: va đập mạnh, bẻ cong, nung nóng… mọi thứ đều vượt qua hoàn hảo.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn được biết rằng với mỗi Cell Pin, hãng sở hữu hơn 60 bằng sáng chế mang tính độc quyền. Đây là thành tựu đáng nể đến từ đội ngũ nhân viên cao cấp, đặc biệt đông đảo đội ngũ tiến sỹ đang làm việc tại nhà máy pin BYD. Bốn lĩnh vực chính mà nhà máy BYD FinDreams tập trung gồm: Pin 3C, Pin Power, Lưu trữ năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng mới nhằm giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày nhà máy sản xuất pin BYD cho xuất xưởng khoảng 12.000 Cell Pin từ FinDreams Battery. Năng lực sản xuất 200 GWH năm 2022, dự kiến mở rộng lên 550 GWH vào năm 2025. Hãng cũng chia sẻ thêm rằng, 7% lợi nhuận hàng năm được dùng để đầu tư nghiên cứu và phát triển pin. Hiện nay, BYD đang sở hữu 30 nhà máy sản xuất piin trên khắp Trung Quốc.

Các tiêu chuẩn ở nhà máy FinDreams như hạt bụi mịn 5 micron không quá 29 hạt/m3, độ ẩm tổng thể luôn ở mức dưới 1%, nhiệt độ môi trường cố định ở 25 độ C. Quả thật, khi bước vào nơi đây chúng tôi cảm nhận được mức độ sạch sẽ đến không tưởng và hầu như mọi vận hành trong nhà máy đều tự động hoá, nhầm tránh sai số đáng tiếc dù là nhỏ nhất cùng nhiều chuẩn nghiêm ngặt.

Một Cell Pin có 8 công đoạn sản xuất tự động hoá để hoàn thiện. Kích thước chiều dài 96 cm, dày 1,25 cm, trọng lượng 2,6 kg. Tuỳ vào mỗi xe, thông thường sẽ có khoảng 178 Cell pin như chiếc BYD Han, tổng trọng lượng rơi vào khoảng 500 kg và đem lại công suất 78,4 kWh. Dựa theo các thử nghiệm đã thực hiện, bộ pin này vẫn có thể đạt mức lưu trữ năng lượng trên 90% sau 120.000 km vận hành hoặc sau 300-500 lần sạc và xả.

Quá trình sản xuất pin Blade bao gồm 8 giai đoạn chính:

Trộn bùn anode: Các vật liệu cần thiết gồm graphite, nước siêu tinh khiết, chất kết dính dẫn điện và các chất kết dính khác được đưa vào máy để trộn, lọc và khử từ.

Phủ: Hỗn hợp sau khi được trộn sẽ chuyển sang giai đoạn phủ. Lò nung của FinDreams Battery là lò nung dài nhất châu Á với chiều dài lên đến 70 m. Trong quá trình phủ, hệ thống camera CCD với độ chính xác cao sẽ kiểm qua và nhận biết được độ dày của toàn bộ các đường điện cực.

Cán: Giai đoạn này giúp xử lý tình trạng biến dạng của vật liệu graphite sau khi nung. Quá trình cán được thực hiện trong 2 lần để đạt được độ dày tiêu chuẩn 128 µm.

Xếp chồng: Các cell pin được sắp xếp chồng lên nhau để tạo thành một bộ pin hoàn chỉnh.

Lắp ráp: Sau khi đã hoàn tất việc xếp chồng, bộ pin sẽ bắt đầu được lắp ráp. Các quy trình trong giai đoạn lắp ráp gồm hàn, bọc và luồng pin vào vỏ. Khi đã hoàn thành, cell pin sẽ được kiểm tra rò rỉ bằng Helium.

Nung nóng: Pin sẽ được nung trong 6-8 giờ ở nhiệt độ 100oC để loại bỏ độ ẩm dư thừa bên trong cell pin.

Bơm chất điện phân: Chất điện phân được bơm vào các cell pin và bịt kín bằng đinh cao su.

Kiểm tra: Đây là bước cuối cùng để đảm bảo tất cả sản phẩm pin Blade được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn.

BYD SkyShuttle – Tàu điện thông minh

Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực vận tải công cộng, với thế mạnh có sẵn là nhà phát triển xe điện và trung tâm nghiên cứu hùng hậu. BYD SkyShuttle được phát triển với mục tiêu giải quyết tình trạng tắc nghẽn đô thị và thách thức về hạ tầng giao thông.

Loại hình giao thông vận tải này kết hợp giữa công nghệ ô tô và công nghệ đường sắt, mang đến nhiều ưu điểm nổi bật như an toàn, linh hoạt, thông minh, ít tiếng ồn… Mỗi toa tàu SkyShutte tiêu thụ lượng điện khoảng 0,5 kWh/km, tương đương 13% mức tiêu thụ điện trung bình của ngành. Tùy thuộc vào nhu cầu, SkyShuttle có thể linh hoạt thay đổi số lượng toa tàu từ 2 đến 8 toa một cách nhanh chóng.

Mẫu tàu điện Sky Shuttle do BYD nghiên cứu, phát triển và vận hành

Sau 7 năm phát triển với chi phí đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, SkyShuttle đã được triển khai tại nhiều khu vực trong và ngoài Trung Quốc. Hiện tại, SkyShuttle đang được vận hành ở các thành phố như Ngân Xuyên, Trùng Khánh, Thâm Quyến…

Tại Thành phố Trùng Khánh, hệ thống SkyShuttle của BYD có tổng cộng 15 nhà ga với tổng chiều dài 15,4 km. Hệ thống được kết nối với ga tàu điện ngầm Bích Sơn và ga tàu cao tốc Thành Đô – Trùng Khánh.

Tầm nhìn và sứ mệnh từ “ông chủ” BYD

Từ năm 1995 khi Tập đoàn mới thành lập, ông Wang Chuanfu đã nhìn thấy thị trường rộng lớn của ngành Pin trên thế giới. Nhưng mãi đến năm 2018, ông Wang và các cộng sự hàng đầu của ông mới tập trung nghiên cứu và phát triển. Trong những năm đầu tiên của BYD, hãng sản xuất pin và các linh kiện khác cho Siemens, Nokia và Motorola.

Cũng từ đó, BYD đã thiết lập một quy trình làm chủ công nghệ từ pin thành phẩm cho đến các mỏ lithium và niken. Nhưng sự đầu tư vào R&D mới là thứ giúp BYD phát triển như hiện tại. Công nghệ Pin Blade Battery (Pin lưỡi dao) là sản phẩm quan trọng tạo sự đột phá cho BYD trong lĩnh vực ô tô điện.

Thành công của BYD đến từ tỷ lệ nội địa hoá cực cao hơn 90% và khả năng làm chủ công nghệ cũng như mức độ đầu tư bền vững, chỉ có lốp xe và kính là BYD không tự sản xuất.

Những năm qua, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu chứng kiến vấn đề tắc nghẽn hậu cần và thiếu hụt chíp bán dẫn. Trong khi đó, BYD đã tự sản xuất chip ôtô cho riêng mình và hơn thế nữa, BYD còn bán pin cho các đối thủ, trong đó có cả Tesla.

Nhà máy pin này cũng là một phần trong chiến lược của BYD nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp năng lượng truyền thống, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển công nghệ pin mới, như pin thể rắn và pin thế hệ mới có tuổi thọ cao và an toàn hơn.

Nhà máy sản xuất pin của BYD tại Trùng Khánh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về năng lượng sạch và xe điện, đồng thời giúp BYD củng cố vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

BYD hiện đang cạnh tranh với Tesla của Elon Musk để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới. Nhưng Musk không thừa nhận sự thực này: “Anh có thấy xe của họ không?” Musk nói trong một cuộc phỏng vấn Bloomberg năm 2011: “Tôi không nghĩ họ tạo ra một sản phẩm tốt”.

Và cuối cùng, công ty BYD của tỷ phú Trung Quốc ông Wang Chuanfu đã soán ngôi Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện phổ biến nhất trên thị trường, theo Financial Times. Cụ thể, BYD bán được 641.350 xe năng lượng mới (EV, PHEV) trong nửa đầu năm 2022, trong khi Tesla chỉ giao được khoảng 564.740 xe.

Ông Võ Minh Lực – Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cũng cho biết thêm, để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng Việt, BYD xe sẽ giới thiệu sớm mẫu xe BYD DMI sử dụng công nghệ Plug in Hybrid (PHEV) với khả năng di chuyển lên đến 1.200 km cho 1 lần sạc vào năm sau. Bên cạnh mẫu xe năng lượng mới BYD Han (EV).

Quốc Hiếu

Tin TỨC- xu hướng

Triệu hồi Audi Q2, A6 và A7

Audi Việt Nam thông báo triệu hồi các mẫu xe gồm: Q2, A6 và A7 vì các lỗi khác nhau theo yêu cầu từ Audi AG. Thời gian kiểm tra và khắc phục là 2

VinFast VF 6 sẵn sàng ra mắt khách Việt

Vào cuối tháng 9/2023, phiên bản thương mại của mẫu VinFast VF 6 sẽ chính thức được giới thiệu. Đây là mẫu SUV thuần điện phân khúc B đang nhận được rất nhiều sự quan

Bentley Continental GT có thêm phiên bản kỷ niệm 20 năm

Trong tuần lễ xe hơi Monterey tại Mỹ, Bentley giới thiệu Continental GT Speed phiên bản đặc biệt bên cạnh chiếc Continental GT sản xuất đầu tiên năm 2003. Continental GT Speed bản đặc biệt lấy cảm hứng từ

AUTONET CHANNEL

TRẢI NGHIỆM XE

AUTONET - FACEBOOK

KINH DOANH

Welcome Back!

Login to your account below

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.

Add New Playlist