- Autonet – Auto & Motorcycle Online Magazine - https://autonet.com.vn -

[Xả luận] Hiểu đúng về “option” và “cắt option” trên xe

Posted By Quốc Hiếu On Tháng Một 21, 2021 @ 11:12 sáng In Bạn đọc viết,Khám phá,Nổi bật Trang chủ,Phương tiện,Tùy chọn | No Comments

Việc cắt trang bị theo xe hay còn gọi là “option” đôi lúc phần thiệt thuộc về khách hàng bởi mục đích kinh doanh vì lợi nhuận mà đôi lúc người mua không để ý.

Việc ưa chuộng dòng xe GLC và sự khan hiếm của dòng xe này, khiến người dùng quên mất việc đòi hỏi ở hãng xe giá trị tương ứng. Có thể thấy rõ ràng nếu ở đời trước có, mà đời sau thiếu và lại tăng giá thì hoàn toàn có thể khiến người dùng tìm đến BMW X3 mới được giảm giá và có cả option loa xịn Harman. Câu chuyện ầm ĩ thời gian gần đây về việc cắt option đắt tiền nhất có thể kể đến là bộ phanh AMG trên xe Mercedes GLC300 AMG.

Bộ phanh này có trị giá lên đến hơn 100 triệu đồng cho heo, đĩa, bố phanh nếu lắp ngoài. Bộ phanh AMG là phanh hàng hiệu do Brembo sản xuất riêng, có khả năng chịu được nhiệt độ cao trên 500 – 600 độ C. Chi tiết này có thể giúp cải thiện hiệu năng phanh, quãng đường phanh do piston lớn hơn, đĩa phanh có khả năng giải nhiệt tốt hơn và diện tích tiếp xúc của bố phanh lớn hơn, vì thế nó sẽ an toàn hơn rất nhiều so với phanh thông thường, đó là giá trị vô giá. 

Phanh-AMG

Theo như giải thích không chính thức của một người làm việc cho đại lý của Mercedes Benz Việt Nam thì do nguồn cung khan hiếm trong thời điểm dịch bệnh Covid đang hoành hành tại Châu Âu, nên đợt lắp ráp này tại Việt Nam sẽ phải sử dụng bộ phanh thường. Tuy nhiên lý do này trở nên vô cùng bất hợp lý khi MBV lại vừa tăng giá bán của các dòng xe và điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người mua xe ở thời điểm này. Chẳng khác gì đã trang bị thiệt thòi cả trăm triệu đồng mà còn bị tăng giá, có lẽ vì GLC quá hot thời điểm này chăng! Nên nhớ phân khúc của GLC có rất nhiều sự lựa chọn như BMW X3, Range Rover Evoque, Audi Q3, Volvo XC60… đều ngang tầm giá, và trang bị có thể là hơn.

GLC300 4 Matic tăng giá từ 2,399 tỷ lên 2,499 tỷ đồng. Bản GLC 200 tăng giá từ 1,749 lên 1,799 tỷ đồng. Tương tự, bản GLC 200 4Matic tăng giá từ 2,039 tỷ lên 2,099 tỷ đồng.

Lội khắp các diễn đàn và hội nhóm trên mạng xã hội, có lẽ sẽ không khó để bắt gặp những lời “gắt gỏng” về việc xe bị “cắt option”, hay diễn giải ra nghĩa là một vài trang bị trên xe tại thị trường nước ngoài nhưng lại biến mất ở xe nhập khẩu và lắp ráp ở thị trường Việt. Định kiến này dẫn đến nhiều hãng xe bị mang tội oan do người dùng hiểu chưa đầy đủ, đây cũng là chiêu bài một vài hãng xe thường xuyên tận dụng để tối ưu hoá lợi nhuận khi kinh doanh tại Việt Nam. Tại những thị trường ô tô nước ngoài, người dùng có quyền lựa chọn những trang thiết bị gắn lên xe theo đúng nhu cầu sử dụng của chủ nhân. Sẽ có những người muốn xe có đầy đủ trang bị tiện nghi, nhưng lại có những người chỉ muốn những thiết bị cơ bản là đủ sử dụng.

Điều này dẫn đến việc không khó để bắt gặp một chiếc Mercedes E Class tại châu Âu với mâm sắt 16 inches, và đèn halogen, trong khi đó xe tại Việt Nam luôn luôn phải là mâm đúc và đèn LED. Vậy không lẽ, xe Mercedes tại Châu Âu cũng bị “cắt option”? Chúng ta đang hiểu sai về vấn đề này! Vì thật ra ở đây không có chuyện cắt, mà là nhà máy (đại lý phân phối) sẽ chọn option cho xe lắp ráp (nhập khẩu). Việc chọn option này là một bài toán cân đo đong đếm về nhu cầu, giá, marketing, và sự phù hợp thị trường sao cho chiếc xe đủ lợi thế cạnh tranh, giá không quá cao, và trang bị này hoạt động tốt trong vòng 3 năm bảo hành.

Việc chọn không đúng option dành cho thị trường nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, sẽ tạo áp lực lên bộ phận bảo hành và sau bán hàng của hãng xe nếu trang bị đó thường xuyên gặp trục trặc khi sử dụng tại thị trường Việt. Với xe nhập khẩu, do dung lượng thị trường Việt Nam quá bé nhỏ so với doanh số một vài thị trường khác, nên đôi khi các hãng xe bắt buộc phải nhập khẩu xe sản xuất cho thị trường khác, dẫn đến một vài option không phù hợp với thị trường Việt Nam, nhưng họ không còn cách nào khác.  Lấy ví dụ như xe Mercedes dòng CLA, GLA, GLB nhập khẩu thường có xuất xứ từ nhà máy của Mercedes tại Hungary, và trang bị tiêu chuẩn của xe nhập khẩu từ nhà máy này sẽ luôn có sưởi ghế. Người làm sản phẩm ở nhà máy Mercedes Benz Việt Nam chắc chắn sẽ không muốn có option này vì không cần thiết, nhưng cũng không thể “cắt option” này đi được.

bmw_330i-đầu-tiên-vn

Điều này dẫn đến việc người dùng phải trả thêm một khoản tiền cho option này trên xe, nhưng có những người chủ xe tại miền Nam chưa bao giờ có thể sử dụng. Hoặc cũng có những trường hợp xe bị thiếu một vài option gây ức chế cho người mua, mà lỗi chính là do người làm sản phẩm (chọn option) thiếu tỉnh táo. Đơn cử như trường hợp xe BMW 330i M Sport do THACO nhập khẩu đợt đầu tiên ra mắt, rất nhiều fan của BMW đã than trời khi phiên bản này lại thiếu Padde shift (lẫy số vô lăng), hộp số thể thao và kính 2 lớp cách âm. Nhưng rất đáng khen khi ở lô nhập sau, THACO nhanh chóng trang bị đầy đủ những option này sau khi lắng nghe phản hồi thị trường. Tuy nhiên, những người mua xe ở đợt đầu thì coi như “mất trắng” vài trăm triệu cho những option còn thiếu sót. Ai thấu cho nỗi đau này!!! Với xe lắp ráp trong nước, cứ tưởng như đã là lắp ráp thì nhà máy muốn ráp thế nào cũng được.

725A9833s

Tuy nhiên câu chuyện không hề đơn giản. Có những option thực sự là “chất liệu” marketing nhưng hãng “mẹ” tuyệt đối không cho lắp tại Việt Nam. Đôi khi lý do là vì option đó đính kèm với những option khác, và việc vác thêm đống trang bị đó sẽ đẩy giá xe lên rất cao, mất khả năng cạnh tranh.  Đơn cử như Peugeot 2008 vừa ra mắt, nhiều người so sánh với xe tại thị trường nước ngoài và thắc mắc về việc biến mất cần số điện trên 2008 lắp ráp bởi THACO. Nếu trang bị cần số điện thì đồng thời sẽ phải gắn kèm với hộp số tự động 8 cấp, thay cho hộp số 6 cấp hiện hữu, và chi tiết này sẽ khiến giá Peugeot nằm ngoài sự lựa chọn của nhiều người, và thật sự thì việc quá nhiều cấp số cho đường sá Việt cũng là một điều chưa chắc đã cần thiết. 

Thông thường các hãng xe còn có một vài chiêu thức bán hàng khi “thiếu” option cho xe vừa ra mắt, và để dành option đó cho một phiên bản nâng cấp vào năm sau. Xe Mercedes thường sẽ thiếu Apple Carplay và Android Auto, màn hình nhỏ, camera 360 hoặc HUD trên xe vừa ra mắt, và những trang bị đó chắc chắn sẽ đầy đủ ở phiên bản năm thứ 2.  Lấy ví dụ như Mercedes E250 ở đời 2016 không có Apple Carplay, thậm chí không có cả Keyless Entry, nhưng ở đời 2017 thì trang bị đầy đủ. Điều này khiến khách hàng luôn có tâm lý chờ đợi bản nâng cấp đầy đủ hơn ở đời sau chứ không vội vàng xuống tiền ngay khi xe vừa ra mắt. Nhưng một khi đã có tiền, xe đã ưng ý thì làm sao đợi được, thế thì đành chấp nhận, nên đó cũng là chuyện mà đại gia hay đổi xe vì mau chán.

Rõ ràng là việc một số hãng xe có thị phần cao tại Việt Nam sẽ luôn tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận. Trong khi đó, các hãng xe còn lại thì luôn cố gắng nhét càng nhiều option vào xe càng tốt để tạo ưu thế cạnh tranh, đôi khi lại khiến giá xe tăng lên quá đà làm mất luôn khả năng cạnh tranh. Nhưng dù cho thế nào đi nữa, option được tính bằng tiền, nên một chiếc xe có trang bị nhiều tính năng hơn chiếc xe khác cùng đời, nghĩa là giá trị nhận lại cao hơn và ngược lại.

Độc giả: Lê Thượng Tiến


Article printed from Autonet – Auto & Motorcycle Online Magazine: https://autonet.com.vn

URL to article: https://autonet.com.vn/kham-pha/xa-luan-hieu-dung-ve-option-va-cat-option-tren-xe/

Copyright © 2014 Autonet – Auto & Motorcycle Online Magazine. All rights reserved.