10:22 - 15/02/2011 (GMT+7)

“2011 tiếp tục là năm thách thức”

Ông Akito Tachibana – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV):  Năm 2011 tiếp tục đối mặt với thách thức

Nhân dịp đầu năm mới, Tạp chí Autonet đã có cuộc phỏng vấn ông Akito Tachibana – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Những kết quả, đánh giá của năm 2010 cùng những nhận định, dự đoán trong năm 2011 về thị trường ôtô – xe máy trong nước đã được vị Tổng Giám đốc của nhà sản xuất ôtô hàng đầu Việt Nam chia sẻ một cách cởi mở.

  1. Trước tiên, Autonet xin chúc mừng Toyota Việt Nam vì như thường lệ, năm nay, Toyota vẫn là số 1 tại Việt Nam với doanh số bán hàng dẫn đầu thị trường xe sản xuất và lắp ráp trong nước. Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động kinh doanh của TMV trong năm 2010? Đây có phải là một năm thành công của TMV không?

Như các bạn biết, thị trường ôtô trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức với doanh số bán hàng liên tục giảm. Theo dự đoán ban đầu của chúng tôi, lượng tiêu thụ ôtô năm nay sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của các thành viên TMV và sự ủng hộ từ phía khách hàng, TMV tiếp tục đạt được tăng trưởng trong năm 2010, duy trì vững chắc vị trí dẫn đầu thị trường.

-       Về doanh số bán hàng: 31.135 xe đã được tiêu thụ, chiếm gần 28% tổng thị phần, tăng 1.029 xe so với năm 2009, đạt doanh số bán tích lũy gần 177.000 xe.

-       Về dịch vụ: Gần 619.000 lượt xe vào làm dịch vụ tại các trạm dịch vụ của Toyota, tăng 19% so với năm ngoái.

-       Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của TMV đạt gần 30 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu tích lũy sau hơn 5 năm lên tới trên 140 triệu USD.

-       Cùng với những thành công trong kinh doanh, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước với hơn 450 triệu USD trong năm 2010, chiếm hơn 60% tổng giá trị đóng góp thuế của tỉnh Vĩnh Phúc.

  1. Nhận định của ông như thế nào về những diễn biến đã qua của thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2010?

- Thị trường ôtô trong năm 2010 phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi Chính phủ chấm dứt gói kích cầu bao gồm việc giảm 50% thuế VAT và lệ phí trước bạ cũng như hỗ trợ lãi suất ngân hàng 4%. Ngoài ra, lãi suất cho vay để mua xe trong năm 2010 luôn ở mức cao, từ 18%-20% và tỷ giá hối đoái ngân hàng được điều chỉnh 2 lần vào tháng 4 và tháng 8… Tất cả những nhân tố này đã tác động tiêu cực đến thị trường trong 9 tháng đầu năm 2010. Vào quý 4 của năm, thị trường ấm dần lên khi nhu cầu mua xe trước tết gia tăng và Chính phủ tăng nhu cầu mua xe công. Tổng thị trường của các thành viên VAMA đạt hơn 112.000 xe, thấp hơn 8.000 xe so với năm 2009. Do vậy, tổng thị trường đạt hơn 151.000 xe, giảm 13% so với năm 2009.

- Về lâu dài, theo tôi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và thu nhập của người dân cũng đang tăng lên. Do vậy, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng. Đó là lý do tại sao nhiều nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam, thậm chí khi mà thị trường hiện nay vẫn còn nhỏ bé. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Chính phủ đánh giá đúng được vai trò của ngành công nghiệp ôtô như là một nguồn lực để thu hút công nghệ hiện đại, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và tạo công ăn việc làm, để từ đó, đưa ra những chính sách lâu dài và ổn định nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong tương lai.

  1. Với cương vị là chủ tịch VAMA, ông nghĩ sao về Dòng xe chiến lược, một sản phẩm đã từng được cân đo, đong đếm và bàn luận rôm rả một thời. Nhưng tuyệt nhiên, giờ đây không thấy bất cứ thông tin nào đả động tới vấn đề này? Ông có thể giải thích tại sao không?

 

-          Chúng tôi đồng ý với Bộ Công Thương về việc cần thiết có dòng xe chiến lược bởi vì đây là cách tốt nhất để Việt Nam có thể tập trung và phát triển một mẫu xe với số lượng lớn, trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và những chính sách ưu đãi. Dựa vào khối lượng lớn, thị trường Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô và ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, đáng tiếc là chúng ta chưa đi đến sự thống nhất về dòng xe chiến lược của Việt Nam. Tôi tin rằng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và chúng tôi luôn ủng hộ đề xuất này.

1
Ông Akito Tachibana – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam

4. Trong bản cuối cùng về Dự thảo Thuế Nhập khẩu giảm từ 0-5% vào năm 2012, là Tổng giám đốc của nhà sản xuất ôtô hàng đầu Việt Nam, ông có nhận định gì không? Nếu Dự thảo Thuế nhập khẩu được thông qua thì TMV có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn gì để thích ứng với những thay đổi này?

-          Theo cam kết với ASEAN, thuế nhập khẩu theo Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) sẽ xuống 0% vào năm 2018. Đó là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp ôtô non trẻ của Việt Nam. Thời điểm từ bây giờ tới năm 2018 không phải là dài, do đó, Chính phủ Việt Nam cần sớm xem xét và có quyết định về dòng xe chiến lược cho Việt Nam. Theo đó, TMV và các doanh nghiệp sản xuất ôtô có thời gian chuẩn bị để theo sát sự chỉ đạo từ Chính phủ nhằm xây dựng và tăng cường sức mạnh cho ngành công nghiệp ôtô trong nước vững vàng phát triển, thậm chí, ngay cả khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa cho các dòng xe nhập khẩu vào năm 2018.

-          Đối với TMV, ngoài việc liên tục củng cố và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm với chất lượng cao và giá cả hợp lý, chúng tôi không ngừng cải thiện các dịch vụ để mang lại sự hài lòng và tin tưởng cao nhất tới khách hàng.

 

  1. Thuế nhập khẩu ôtô có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ôtô như thế nào? Nhiều người cho rằng thuế nhập khẩu ôtô giảm sẽ ép các nhà sản xuất ôtô FDI giảm giá, vậy điều đó có đúng không, thưa ông?

-          Hiển nhiên thuế nhập khẩu ôtô gây ra áp lực cho các nhà sản xuất ôtô trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng điều này là không thể tránh khỏi bởi vì Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình khi gia nhập WTO và ASEAN. Đối với TMV, chúng tôi luôn ủng hộ sự cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, chúng tôi thực sự hy vọng rằng Chính phủ sẽ đưa ra một lộ trình giảm thuế rõ ràng và cụ thể để các nhà sản xuất ôtô có đủ thời gian chuẩn bị và có được kế hoạch kinh doanh phù hợp với những thay đổi, đồng thời, có thể phát triển kinh doanh hơn nữa tại Việt Nam.

 

  1. Thuế nhập khẩu ôtô thường thay đổi nhanh hơn so với cam kết với WTO của Việt Nam, một số thành viên VAMA cho rằng, họ có thể trở thành nhà nhập khẩu, ông nghĩ sao về điều này? TMV có kế hoạch kinh doanh như thế nào về nhập khẩu xe nguyên chiếc?

-          Đây là quyết định và chiến lược marketing của mỗi công ty. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, có thể một số nhà sản xuất ôtô phải đóng cửa nhà máy và trở thành nhà nhập khẩu, một số khác vẫn có thể tồn tại và phát triển. Theo tôi, đây là hiện tượng bình thường trong kinh doanh.

-          TMV luôn đặt ưu tiên hàng đầu và chú trọng vào việc phát triển sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, chúng tôi chỉ nhập khẩu với số lượng nhỏ các mẫu xe cho thị trường giới hạn có doanh số thấp để đa dạng hóa các lựa chọn cho khách hàng.

  1. Xin ông cho biết chiến lược phát triển thị trường của Toyota năm 2011 là gì? Trong năm 2010, theo báo cáo của JD Power, TMV đứng vị trí dẫn đầu trong các doanh nghiệp về chỉ số mức độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ (CSI), vậy ông có hài lòng với kết quả này không? Còn về chỉ số SSI thì như thế nào?

-          Với phương châm “Khách hàng là trên hết” và “Phát triển bền vững tại Việt Nam”, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các dịch vụ sau bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

-          Về kết quả xếp hạng của JD Power, chúng tôi muốn nói lời cảm ơn tới các khách hàng vì đã luôn tin tưởng và ủng hộ chúng tôi một cách tích cực trong thời gian qua. Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu kinh doanh của mình là làm sao mang lại sự hài lòng cao nhất tới khách hàng. Do đó, chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở kết quả này mà sẽ nỗ lực hơn nữa để cung cấp nhiều hơn các dịch vụ chất lượng cao và mang lại nhiều quyền lợi hơn nữa cho khách hàng cũng như đóng góp tích cực cho xã hội Việt Nam.

  1. Ông có dự đoán như thế nào về thị trường ôtô trong năm 2011?

-          Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, những nhân tố như thuế nhập khẩu, gia tăng tỷ giá, tăng lệ phí trước bạ, phí cấp biển số mới và lãi suất ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến thị trường ôtô. Tuy nhiên, theo tôi thì thị trường ôtô sẽ phục hồi cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

-          Trong năm 2011, tôi cho rằng, các nhà sản xuất ôtô sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong quý đầu của năm, thị trường vẫn sẽ tăng trưởng với thông tin phí cấp biển số mới và lệ phí trước bạ có thể tăng nhưng sẽ giảm mạnh vào quý 2 của năm. Tiếp đó, từ quý 3 thị trường sẽ phục hồi và tăng vào dịp cuối năm. Về quan điểm cá nhân, tôi khá lạc quan về thị trường ôtô Việt Nam vì bản chất của nó cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân cùng thu nhập đang tăng lên của người dân. Nói chung, theo tôi dự đoán thì doanh số bán của thị trường trong năm 2011 tương đối giống với năm 2010 với mức tiêu thụ khoảng 155.000 xe (bao gồm cả xe sản xuất trong nước và nhập khẩu).

 

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này. Một lần nữa xin chúc Toyota Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong năm mới!

 

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook


Bình luận mới