08:05 - 8/05/2010 (GMT+7)

Lịch sử ngành ôtô thuở sơ khai

Đầu thế kỉ XX, ngành xe hơi nước Mỹ dần khởi sắc với sự ra đời của rất nhiều các nhà sản xuất. Trong đó, có một số tên tuổi đã tạo ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng.

Tính tới thời điểm cuối thế kỷ XIX, tại Hoa Kỳ đã có khoảng 50 nhãn hiệu xe hơi sản xuất ra những chiếc xe chạy xăng và điện, được trang bị những bộ động cơ đơn giản nhất như động cơ 2 xy lanh, công suất 4-6 mã lực.

Tuy nhiên, vì thiếu vốn và không được giới tư bản chú ý, nhiều công ty xe hơi đã phải đóng cửa sau khi chế tạo được vài ba chiếc xe. Tương lai của ngành chế tạo, sản xuất xe hơi tưởng chừng rất mờ mịt thì năm 1900, Ramson E. Olds, một thiên tài trong lĩnh vực ôtô đến từ Lansing đã thành lập Olds Motor Works, bắt đầu công cuộc khai sáng cho nền kỹ nghệ này. 

Chiếc xe hơi đầu tiên của Olds ra đời năm 1895, sau đó 2 năm, chiếc thứ hai được chế tạo xong. Thời gian đầu, công ty của Olds đã tạo ra được 11 mẫu xe thí điểm. Trong số đó, đáng chú ý là Curved Dash Olds, một chiếc xe bốn bánh nhỏ, thiết kế phần trước uốn cong độc đáo trang bị động cơ bốn kỳ, xy-lanh đơn, dẫn động bằng xích và bảng đồng hồ hình bán nguyệt lạ mắt. Mặc dù rất thích chiếc xe này nhưng Olds quyết định không sản xuất mà chỉ xem nó như một “vật lấy may”.

Đến tháng 3/1901, Olds Motor Works bị thần hỏa tàn phá và thứ duy nhất còn sót lại là Curved Dash Olds. Olds nhanh chóng quyết định gây dựng lại công ty và dồn hết nguồn lực vào chiếc xe này. Trong 5 năm kể từ 1901, những chiếc xe hơi hiệu Oldsmobile một xy lanh đã giữ địa vị độc tôn trên thị trường Mỹ. 

 

Mô tả ảnh.
Curved Dash Olds

Thành công của Olds đã kéo theo sự thành lập của nhiều hãng sản xuất phụ tùng và các công ty sản xuất ôtô. Tính từ năm 1900 đến 1908, Mỹ có ít nhất 240 hãng sản xuất được thành lập, trong đó phải kể đến Leland lập ra hãng Cadillac, rồi Lincoln, Everitt với hãng Wilson Body. Roy D. Chapin lập nên Hudson, David Dunbar Buick thành lập Buick, Henry Ford với Ford Motor và gây được ảnh hưởng quan trọng là anh em nhà Dodge với công ty Dodge Brothers.  

Sau thành công vang dội của Curved Dash Olds, do bất đồng quan điểm với một số nhà lãnh đạo khác, Olds đã từ chức và lập ra một nhà máy khác ở Lansing. 

Lợi dụng sự lục đục đó, các hãng xe khác, đặc biệt là Dodge Brothers tranh thủ thâu tóm thị trường và đã gây được tiếng vang lớn.  

Có thể nói, anh em nhà Dodge là hai nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô thuở sơ khai. Sinh ra trong một gia đình nghèo đói ở thành phố Niles, Michigan, nhưng John và Horace ngay từ nhỏ đều đã rất thông minh. Giữa lúc thị trường ôtô Hoa Kỳ bùng nổ, họ không ngừng mày mò, sáng tạo rồi tích cóp tiền để thành lập một công ty chuyên sản xuất hộp số cho Olds và động cơ cho Ford.

 

Mô tả ảnh.
Xe Dodge những năm 1914

Nhờ tài năng xuất chúng, họ dần dần chiếm được thiện cảm của lãnh đạo Ford Motor. Một thời gian sau, để được trở thành cổ đông của Ford Motor và John được giữ chức Phó chủ tịch hãng xe nổi tiếng này, họ hủy hợp đồng cung cấp hộp số cho Olds, chỉ cung cấp độc quyền động cơ cho Ford.  

Tiếng là các nhà sáng chế tài năng nhưng John và Horace Dodge còn được biết đến là những người rất ngang tàng trong quán rượu, họ thường uống rồi gây loạn. Trong một bữa tiệc tại khách sạn sang trọng Book-Cadillac ở Detroit, hai anh em khoe khoang công khai rằng, không lâu nữa nhà Dodge sẽ chế tạo ra một chiếc xe cho riêng mình khiến tất cả những người có mặt nửa tin nửa ngờ, xì xào bàn tán.  

Tuy nhiên, họ không hề nói suông. Tháng 11/1914, hai anh em bắt tay vào thiết kế chiếc xe Dodge. Không lâu sau khi ra đời, chiếc xe đã “hút hồn” một số lượng khách hàng không nhỏ. Họ ca ngợi hết lời động cơ mạnh mẽ và kết cấu vững chãi của xe. “Đáng tin cậy” là cụm từ mà mọi người trìu mến đặt cho John và Horace cũng như những chiếc xe đầu tiên của họ.  

Tiếng lành đồn xa, Tướng John Pershing cũng sử dụng loại xe này để đuổi bắt những băng cướp khét tiếng dọc biên giới nước Mỹ như Pancho Villa. Quân đội Mỹ cũng sử dụng xe Dodge để đập tan các cuộc nổi loạn mà không có bất cứ thương vong nào. Sự kiện này tạo bước ngoặt lịch sử cho hoạt động chiến đấu cơ giới đầu tiên của tổ chức này. Suốt thế chiến thứ I, Dodge Brothers còn cung cấp hàng loạt các loại xe xe vận tải, quân xa, xe cứu thương cho quân đội Anh và Pháp.  

Không dừng lại ở việc sản xuất xe, nhà Dodge còn mở rộng phạm vi sáng chế vũ khí quân sự. Năm 1915, Thống chế Pháp Joseph Joffre đến thăm Washington với mong muốn tìm được một công ty có khả năng sáng tạo bộ phận lùi cho súng đại bác cỡ đạn 75 và 155 li, loại vũ khí chính của quân đội Pháp trong thế chiến thứ I. Biết được nhu cầu này, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ lúc đó là Newton D. Baker đã gọi cho John Dodge.

John đề nghị với Joffre và Baker rằng, nếu người Pháp cung cấp bản thiết kế chính xác và trao toàn quyền quản lý dự án cho công ty Dodge Brothers thì họ sẽ sản xuất bộ phận lùi với số lượng người Pháp mong muốn. Tuy nhiên, Joffre và Baker không nghĩ rằng Dodge có thể làm được nên đã từ chối yêu cầu của ông.  

Sau đó, bị thuyết phục bởi thái độ cứng rắn của John, Joffre đồng ý. Không lâu sau, anh em nhà Dodge đã chế tạo thành công bộ phận lùi cho súng đại bác. Sau chiến tranh, John Dodge và 8.000 người thợ của ông đã được chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất dành tặng cho những cá nhân và tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.  

Năm 1920, cả hai anh em nhà Dodge qua đời. Không muốn công sức của chồng trở nên vô ích, hai người vợ yêu cầu Frederick Haynes, giám đốc nhà máy Dodge ở Hamtramck đứng lên điều hành công ty. Dưới sự quản lý của Haynes, công ty Dodge Brothers tiếp tục phát triển đi lên và năm 1925, mua thêm hãng xe tải Graham Truck, sau này đổi tên thành Dodge Truck.  

Cuối năm đó, các góa phụ của John và Horace Dodge lại bán Dodge Brothers cho tập đoàn ngân hàng New York với giá 146 triệu USD, một vụ giao dịch lớn nhất trong ngành ôtô vào thời gian đó. Chưa đầy ba năm sau, các ngân hàng lại chuyển nhượng quyền tiếp quản công ty này cho tập đoàn Chrysler với giá 170 triệu USD.  

Cũng trong giai đoạn này, do khó khăn về tài chính và không nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, nhiều hãng chế tạo xe phải bỏ cuộc hoặc cùng các hãng khác sáp nhập thành một hãng lớn hơn. Tuy nhiên cũng có khá nhiều những “ông lớn” nổi bật, điển hình là Ford và General Motors (GM).  

Ford được thành lập năm năm 1903 bởi “thiên tài” ngành chế tạo máy Henry Ford. Năm 1908 cho ra đời mẫu xe giá rẻ Model T.với kiểu dáng nhỏ gọn, bắt mắt, giá bình dân gây “chấn động” toàn cầu.  

 

Mô tả ảnh.
Pontiac 1924

Năm 1913, Ford nghiên cứu và đưa vào vận hành dây chuyền lắp ráp hàng loạt đầu tiên trong lịch sử ngành chế tạo, sản xuất ôtô làm thay đổi ngành công nghiệp xe hơi. Nhờ công nghệ sản xuất mới, sản lượng năm đó của Ford đạt tới 202.677 chiếc. Model T. đã giúp Ford trở thành nhà sản xuất số 1 nước Mỹ một thời gian dài. 

GM được thành lập năm 1908 bởi William Durant. Hai năm sau khi thành lập, nhà sản xuất này đã “nuốt chửng” gần 30 công ty con, trong đó có Oldsmobile, Cadillac, CarterCar và Oakland (sau này là Pontiac). Việc liên tục mở rộng thị trường, thâu tóm và sáp nhập tất cả các công ty yếm thế khác đã đưa GM trở thành con bạch tuộc khổng lồ trong ngành công nghiệp ôtô. 

Tuy nhiên, vì mua phải quá nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả nên GM lâm vào tình trạng khốn đốn. Năm 1910, Durant buộc phải “nhường ngôi” cho nhà quản trị Charles W. Nash rồi thành lập một số công ty khác, đáng chú ý nhất là Chevrolet Motor nuôi mộng chiếm lại “đứa con cưng”.

Dưới tài quản trị của Durant, Chevrolet làm ăn ngày càng phát đạt. Năm 1916, công ty này đã nắm trong tay hơn 1/2 cổ phần của GM, lúc đó đang gặp rất nhiều khó khăn. Durant lấy lại GM. Tuy nhiên, vì quá tham vọng biến hãng này thành nhà sản xuất bậc nhất thế giới, “vị cha đẻ” của nó lại một lần nữa nóng vội thâu tóm các hãng sản xuất nhỏ, phớt lờ mọi lời cảnh báo. Các nhân tài lần lượt ra đi, Chrysler thành lập tập đoàn Chrysler Motor, Leland thành lập Lincoln cho ra đời những mẫu xe cạnh tranh khốc liệt với GM.

Đến năm 1920, Durant lại để mất GM vào tay Pierre du Pont. Tuy nhiên, du Pont vẫn không cứu vãn được tình hình tài chính ngày càng giảm sút của “gã khổng lồ” này.

Năm 1921, GM thua lỗ gần 39 triệu USD. Năm 1923, du Pont buộc phải “nhường” chức chủ tịch cho Alfred P. Sloan Jr. Năm 1924, Sloan phải ra lệnh cho các nhà máy cắt giảm sản xuất và sa thải bớt nhân công để tiết kiệm chi phí bởi doanh số không được cải thiện, các đại lý đều chất đống hàng tồn kho.

Năm 1925, Sloan cho thiết kế một chiếc xe mới mang tên Pontiac với kiểu dáng lạ mắt và động cơ mạnh mẽ hơn đã đánh bật Model T. của Ford với thiết kế quá cũ so với bối cảnh đương thời. Nhờ đó, từ một hãng xe luôn đứng sau Ford về doanh số, GM đã dần dần thu hẹp khoảng cách. Cuối năm 1924, GM mới chỉ chiếm 19% thị phần doanh số xe hơi của Mỹ, Ford chiếm hơn 50%. Một năm sau, GM chiếm dần thị phần, Ford chỉ còn lại 42% rồi 20%.

Nếu như chọn một thời điểm làm mốc phân chia giữa ngành công nghiệp ôtô cũ và hiện đại, thì năm 1924 chính là sự lựa chọn hợp lý nhất. Sau khi Pontiac ra đời, nó nhanh chóng thu hút được thị hiếu của khách hàng và trở nên thông dụng. Từ đó, các nhà sản xuất bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, liên tục sản sinh ra những mẫu xe thiết kế hoàn toàn mới, thay thế dần những mẫu xe cổ được các nhà phê bình gọi là “hàng lỗi thời”.  

Tiếp nối thành công với Pontiac 1926, Sloan cùng với Lawrence Fisher, lúc đó là lãnh đạo Cadillac, tìm hướng phát triển xe Cadillac gia đình để lấp dần khoảng cách giữa Buick và Cadillac. Chiếc xe LaSalle ra đời năm 1927 dựa trên ý tưởng của một nhà tạo mẫu đã trở thành một trong những chiếc xe hiếm hoi đánh dấu sự thay đổi vượt bậc của ngành công nghiệp ôtô thế giới.

Cùng trong năm đó, Ford Motor chính thức tạm ngừng sản xuất dòng Model T. lỗi thời sau khi đã tung ta thị trường hơn 15 triệu chiếc trong vòng 19 năm.

Con trai của Henry là Edsel, lúc bấy giờ là chủ tịch của Ford Motor đã cố gắng thúc đẩy, mở rộng các dịch vụ của Ford nhằm cạnh tranh với GM. Ông mong muốn phát triển một chiếc xe Model A. nổi bật hơn Model T. của cha mình nhưng không thành công. Do chưa bắt kịp sự phát triển của thời đại, Ford đã để thua GM về doanh số bán hàng.  

Năm 1928, Ford Motor lắp ráp thành công Model A., một loại xe được đánh giá là sử dụng tiện lợi, duyên dáng, hành khách có thể chạy xe với vận tốc 95km/h mà vẫn thấy êm ái và đặc biệt là giá xe lại rẻ nhất so với xe hơi của tất cả các hãng khác. Ford khôi phục vị trí dẫn đầu về doanh số bán hàng trên thị trường. Tuy nhiên, Model A. không giữ được kỷ lục sản xuất 19 năm như dòng Model T. Năm 1931, GM lại vượt qua Ford về doanh số và từ đó Ford không bao giờ lấy lại được vị trí dẫn đầu nữa.

Đến năm 1932, với tham vọng qua mặt nhà sản xuất xe hơi GM đã có uy tín và kẻ mới nổi Chrysler, Ford giới thiệu một loại xe giá rẻ đầu tiên trang bị động cơ V8. Doanh số bán xe của Ford được cải thiện trông thấy, nhưng GM vẫn là số 1.

Năm 1933, Tập đoàn sản xuất ôtô Chrysler cũng có doanh số bán hàng “vượt mặt” Ford, vươn lên trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 của Mỹ. Người ta tính rằng, trong năm 1929, hai hãng Ford và General Motors đã bán ra 3.850.000 xe hơi trên tổng số 5.337.000 chiếc, khiến cho vào thời bấy giờ, Hoa Kỳ có tất cả 26,5 triệu xe hơi, xe vận tải và xe buýt. Cho đến sau này, các cuộc chạy đua doanh số giữa các hãng xe đầu thế kỉ XX vẫn không ngừng tiếp diễn.

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook


Bình luận mới

Sáu vật liệu có thể thay đổi thế giới

Зайдите на сайт FishX https://fishx.org/ и вы найдете все о рыбалке,

Sáu vật liệu có thể thay đổi thế giới

я уже смотрел обзор здесь https://my-obzor.com/ перед тем, как сделать заказ.

Sáu vật liệu có thể thay đổi thế giới

На сайте https://t-audio.com/ оформите заявку для того, чтобы заказать такую важную

Mercedes-Benz Việt Nam phản hồi về vụ cháy xe GLC 200 tại Hà Nội

[url=http://metformindi.com/]where can i buy metformin 500 mg[/url]