18:20 - 20/06/2012 (GMT+7)

Đức, Nhật lạc quan về tương lai của xe điện

Tại cuộc họp thượng đỉnh Washinton Fuel Cell, các hãng xe Đức và Nhật Bản bày tỏ lạc quan về triển vọng của dòng xe hơi chạy Pin nhiên liệu (Fuel Cell) sử dụng khí hydro – giải pháp lâu dài để thay thế cho dòng xe chạy dầu.

Fuel cell là một thiết bị chuyển đổi năng lượng hoá học từ nhiên liệu đầu vào (ví dụ là khí hydro) thành điện năng thông qua phản ứng hoá học với oxy hoặc chất có tính oxy hoá mạnh. Khí hydro là nhiên liệu phổ biến nhất. Fuel cell khác so với Batteries (Pin ắcquy) ở chỗ nó đòi hỏi phải có nguồn nhiên liệu và khí oxy liên tục, tuy nhiên nó cũng sẽ sản xuất điện năng liên tục cho đến khi nguồn nhiên liệu bị cạn.

Tại cuộc họp, những người ủng hộ cho rằng vấn đề quan trọng là đảm bảo đủ các trạm tiếp nhiên liệu hydro và mỗi trạm đều đủ khả năng cung cấp nhiên liệu cho các xe đủ dùng trong một ngày. Một số trạm nhiên liệu hiện nay chỉ có thể phục vụ cho khoảng 6 xe, song cũng có những trạm với nguồn nhiên liệu dự trữ lớn có thể cung cấp cho 100 chiếc.

Trong khi đó, các nhà sản xuất cũng phải nghĩ cách cắt giảm chi phí về công nghệ để giảm giá thành sản phẩm.

Đến cuối năm 2012, Los Angeles sẽ có 8 trạm tiếp nhiên liệu hydro (tăng lên từ 5 trạm). “Chúng ta phải có đủ các trạm tiếp nhiên liệu” Sascha Simon, Giám đốc kế hoạch sản phẩm tiên tiến của Mercedes-Benz USA cho biết. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng công nghệ này sẽ tồn tại và sẵn sàng cho giai đoạn thử thách ban đầu.” Hiện nước Mỹ có khoảng 180.000 trạm xăng.

Sắp tới San Francisco sẽ có trạm tiếp nhiên liệu hydro đầu tiên cho phép Mercedes-Benz cho thuê nhiều xe B-Class F-Cell hơn. Ông Simon cho biết, công ty có khoảng 120 chiếc xe sử dụng pin nhiên liệu trên toàn thế giới, trong đó có 44 chiếc ở California.

Mercedes-Benz B-Class F-Cell
Mercedes-Benz B-Class F-Cell

Daimler đã chi hơn 2 tỷ USD dành cho việc nghiên cứu công nghệ pin nhiên liệu kể từ năm 1994. Theo Simon, năm 2015 hãng sẽ tung ra thế hệ mới của các mẫu xe pin nhiên liệu của Mercedes với kích thước lớn hơn và hiệu suất tốt hơn, và dự kiến sẽ bán ra “hàng nghìn chiếc” trong một khoảng thời gian nhất định.

Phó Chủ tịch Honda, Ed Cohen cho biết dòng xe chạy điện của hãng chủ yếu dành cho người tiêu dùng đô thị với những chuyến đi ngắn. Dòng xe chạy pin nhiên liệu với thời gian nạp nhiên liệu và vận hành khá giống với các xe chạy xăng thông thường sẽ là giải pháp dài hạn tốt nhất “cho đến chừng nào mà cơ sở hạ tầng của nó còn ở đây” ông cho biết.

Honda đang triển khai thí điểm 20 chiếc xe chạy pin nhiên liệu ở California để thăm dò nhu cầu của khách hàng. Mặc dù dòng xe pin nhiên liệu đắt đỏ hơn so với dòng xe truyền thống, ông Cohen tin tưởng rằng giá bán của chúng sẽ giảm dần trong tương lai. Thị trường Mỹ hiện có khoảng 200 – 300 chiếc fuel cell trên tổng số 250 triệu xe các loại.

Một số nước như Scandinavia, Đức và Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển dòng xe này và cơ sở hạ tầng của nó. Chris Guzy, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ hãng Ballard Power System Inc. với hệ thống 44 chiếc xe buýt chạy pin nhiên liệu trên khắp thế giới cũng cho biết dòng xe này đang trở nên có ý nghĩa và giá bán của nó đang hạ.

Giá bán của một chiếc xe buýt chạy pin nhiên liệu mới nhất ở Đức vào khoảng 3 triệu USD/chiếc, gấp khoảng 5 lần so với giá của một chiếc xe buýt chạy diesel. Song mới đây, thành phố San Remo của Ý mới tậu vài chiếc xe buýt loại này với giá 1,6 triệu USD/chiếc. Chris Guzy cho biết với đơn hàng từ 50 – 100 chiếc thì giá bán của mỗi chiếc xe buýt chỉ còn khoảng 1 triệu USD.

Tại cuộc họp, hãng xe Nhật Toyota cũng tiết lộ các kế hoạch tung ra thị trường một mẫu xe chạy pin nhiên liệu mới vào năm 2015. Ông Craig Scott, Giám đốc công nghệ của Toyota cũng nhận định cơ sở hạ tầng với các trạm tiếp nhiên liệu hydro là yếu tố rất quan trọng – “nếu không chúng ta sẽ có rất nhiều rác phế thải tốn kém”.

Năm 2002, General Motors dự đoán thị trường “có thể” có hàng trăm nghìn chiếc xe chạy hydro trên đường phố vào năm 2010. Đến năm 2006, hãng điều chỉnh ước tính còn khoảng 1000 chiếc. Song con số đó cũng không thành hiện thực, phần lớn bởi vì thiếu mạng lưới các trạm tiếp nhiên liệu hydro và chi phí đắt đỏ.

Khôi Nguyên

CTV1

Ý kiến của độc giả

0 bình luận

Gửi bình luận của bạn


Hoặc bình luận bằng Facebook